Vùng đất được gọi là xứ rượu hồng đào

Đến với Quảng Nam, vùng đất miền Trung nắng, gió nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Hội An với phố cổ và di sản thế giới Mỹ Sơn. Thế rồi, một đêm ngủ lại nơi này trong cơn mưa giông khủng khiếp để hiểu thế nào là “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm” mà rồi tò mò đi tìm “Rượu hồng đào chưa nhắm đã say”.

Khi đến Phước Sơn cách Đắk Glei vài chục cây số, chỉ cần vượt qua đèo Lò Xo dài 20km là đến được địa phận Kon Tum. Nhưng cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống nhanh khủng khiếp sau vài tiếng sấm rền. Tôi kẹt lại đất Quảng Nam với lời khuyên của cô gái M’Nông lúc dừng xe trú mưa “Anh phải ở lại đây thôi, mưa thế này không qua nổi đèo Lò Xo đâu”. Rồi cô gái tận tình chỉ đường quay lại quán ăn kiêm nhà trọ duy nhất ở giữa rừng với lời dặn: “Nếu không tìm được thì về nhà em trong làng kia”.

Phước Sơn, Quảng Nam về đêm

 

Cơn mưa giông chiều muộn giữa rừng kinh khủng khiếp, những tia sét đỏ lừ cứ chớp liên hồi cùng với tiếng nổ điếc tai. Thật may cho tôi đã nghe lời cô gái M’ Nông chứ cứ cố vít ga để gặp giông giữa đỉnh đèo thì không biết chuyện tồi tệ gì sẽ xảy ra. Ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn này, có đặc sản cá Niêng từ dòng sông Jô. Thứ cá suối chỉ nhỏ bằng ngón trỏ, vảy ánh bạc như cá trôi, thịt mềm và ngọt, xương mảnh rất mềm.

 Nhưng bữa cơm tối ăn bằng đèn pin đeo trán đã trở thành kinh khủng khi trời mưa, côn trùng bay ra, gặp ánh đèn pin cứ thế lao đến bu lấy mặt và đĩa cơm. Đủ các loại côn trùng từ ve sầu kim màu xanh lá, kiến cánh, mối rừng và những con bọ cánh cứng cùng lũ bướm đêm. Ánh đèn soi ở đâu thì côn trùng đủ loại bu vào đấy, chúng bay loạn xạ, lao cả vào mặt, vào cổ.

Ngồi tâm sự trong mưa với người chủ nhà trọ. Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh chuyện mưa. Đất Quảng Nam kẹt giữa miền Trung và Tây Nguyên. Những con sông chảy từ Tây Nguyên mang phù sa xuống rồi gió núi, gió biển thổi về. Đất đai cứ đỏ quạch lại hơi sẫm nên cứ có mưa là đất thấm lại. Chả thế mà có câu ca “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”. Nhưng hỏi tiếp: “Rượu hồng đào chưa nhắm đã say” là thứ rượu gì mà say thế? Chắc có lẽ thứ rượu này được nấu từ gạo ngon với cách ủ men và nước mưa. Sau khi chưng cất rượu thì ngâm với quả hồng đào.

 Vậy thì quả hồng đào là quả gì? Hóa ra, rượu hồng đào là có thật. Người Quảng Nam sau khi chưng cất rượu trắng để dùng hàng ngày. Khi có việc lễ trọng, họ sẽ lấy que hương đã thắp, nhúng chân que hương vào chai rượu cho khuếch tán màu phẩm nhuộm chân hương. Rượu lúc này sẽ có màu hồng giống cánh hoa đào rất đẹp nên gọi là rượu hồng đào. Người dân xứ Quảng chỉ làm rượu hồng đào vào những dịp rất quan trọng như lễ cưới hỏi, lễ tết.

 Nếu đi hỏi vợ, có rượu nhưng không phải rượu hồng đào thì sẽ bị chê cười và nhà gái sẽ không gả con gái. Thứ rượu dễ làm và không đắt này vì thế mang giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Nhưng tôi dừng chân ở Quảng Nam trong một đêm mưa gió, đâu dễ có duyên để được thưởng thức chén rượu hồng đào. Nhưng mới nghĩ đến thôi đã thấy say cái tình người dân xứ Quảng.

Từ khóa tìm kiếm:giá rượu hồng đào, rượu hồng đào bao nhiêu tiền, thuyết minh về rượu hồng đào quảng nam, rượu hồng đào chưa nhấm đã say, đại lý rượu hồng đào, giải thích câu đất quảng nam chưa mưa đã thấm rượu hồng đào chưa ngấm đã say, nhãn hiệu rượu hồng đào, noi ban ruou hong dao

 

Scroll to Top