Nét đẹp trong văn hóa tặng quà của người Việt

Như một nét đẹp văn hóa mang tính phổ biến, dù sống ở phương Ðông hay ở phương Tây, trong ứng xử hằng ngày, mọi người thường có thói quen tặng quà để tỏ lòng biết ơn, sự quý mến, tình thân hữu.

Ở nước ta hiện nay, việc tặng quà được thực hiện dưới rất nhiều lý do khác nhau, từ lễ, Tết, sinh nhật, thượng thọ, ngày cưới, tới mừng nhà mới, mừng học hành đỗ đạt, tới các cuộc vui bạn bè, người thân… Quà tặng thường là những món quà ý nghĩa, được lựa chọn cẩn thận, phù hợp sở thích, lứa tuổi, mức độ quan hệ và kèm theo là lời cầu chúc tốt đẹp. Người tặng quà thì với thái độ kính trọng, thân thiết hay quý mến, còn người nhận thì bày tỏ tình cảm trân trọng với món quà. Như vậy, cả người tặng và người nhận đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái, nhiều khi còn đưa tới cảm giác sung sướng và hạnh phúc. Khi đó, việc tặng quà trở thành một nét đẹp văn hóa, đưa mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và không có ý nghĩa nào khác, món quà chính là “vật chuyển tải thông điệp tình cảm” tới người mà mình yêu mến, quý trọng, biết ơn…

 

Nét đẹp trong văn hóa tặng quà của người Việt

 

Tuy nhiên, để thực hiện được nét văn hóa đẹp ấy cũng không dễ, bởi đôi khi người tặng quà vì không chú ý hoặc vô tâm, nên đã tặng món quà mình ưa thích mà không chú ý đến sở thích, tâm trạng, hoàn cảnh, tập quán văn hóa hay thói quen của người nhận, có khi gây ra các tình huống thiếu tế nhị. Thêm vào đó là xu hướng vật chất hóa hay “phong bì hóa” quà tặng đang khá phổ biến đã làm giảm ý nghĩa tinh thần của món quà. Ðã có hiện tượng người tặng quà sẵn sàng mua món quà đắt tiền, săn lùng bằng được món “hàng độc”. Và như vậy, việc tặng quà đã biến tướng thành hành vi hối lộ, đút lót để đạt được mục đích cá nhân.

Tặng quà là một việc làm cần thiết và là nét đẹp văn hóa trong quan hệ giữa người với người, tuy nhiên, để tặng quà thật sự trở thành một việc làm có tính văn hóa, mang lại niềm vui và trở thành kỷ vật yêu thích của người nhận thì cần phải có hiểu biết về văn hóa tặng quà, hiểu người sẽ nhận món quà mình tặng và trên hết, việc tặng quà phải xuất phát từ tình cảm, từ tấm lòng của người tặng, không vì những mục đích cá nhân khác. Lâu nay, dư luận xã hội đã rất nhiều lần lên tiếng, bức xúc về những biến tướng của việc mượn danh quà tặng để trục lợi nhân dịp lễ, Tết… Quy định cấm dùng tiền công quỹ để làm quà tặng, được nhiều nơi thực hiện khá nghiêm túc.

Nhưng trước những biến tướng của việc tặng quà, mỗi chúng ta cần phải tự giác xóa bỏ các toan tính cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, cần xây dựng nếp ứng xử “chí công” và chính các cá nhân có vị trí trong xã hội càng phải cần xây dựng ý thức nghiêm túc trong tặng và nhận quà. Mỗi món quà tặng nhau nhân một dịp vui nào đó cần xuất phát từ tình cảm chân thành từ cả hai phía tặng và nhận. Vì thế, mỗi người trong chúng ta, trong nhận thức và hành động phải luôn trong sáng, không vụ lợi để việc tặng và nhận quà  là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử, nét đẹp của tình thân hữu, của lòng tự trọng, phù hợp truyền thống, đạo lý của dân tộc.

Theo: Nhân Dân

 

Từ khóa tìm kiếm: văn hóa tặng hoa của người việt nam, phong tục tặng quà của người việt nam, văn hóa tặng quà của người hàn quốc, văn hóa tặng quà của các nước, văn hóa tặng quà trong kinh doanh ở việt nam, văn hóa tặng quà của người pháp, văn hóa tặng quà của người nhật, văn hóa tặng quà của người anh

Scroll to Top